Thiên nhiên ưu đãi cho đất nước ta đất đai màu mỡ, khí hậu đa dạng nên mỗi vùng miền có nhiều loại đặc sản khác nhau, trong đó không thể không kể đến các loại gia vị độc đáo góp phần làm nên những món ngon trứ danh nức lòng du khách. Mời bạn cùng Than sạch Seagull điểm qua một số loại gia vị ngon - độc - lạ nổi tiếng mà chưa chắc chúng ta đã có dịp được thưởng thức hết.
1. Hạt dổi
Đây là loại gia vị rất đắt, được cho là “vàng đen Tây Bắc”, có lúc giá của nó lên đến vài triệu đồng/kg. Hạt có mùi thơi ngai ngái, ngầy ngậy đặc trưng. Cây dổi được trồng nhiều ở Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai… nhưng tương truyền, hạt dổi lấy từ cây dổi mọc trên núi Na Hang (Tuyên Quang) mới là số một. Thông thường, cây phải trên 7 tuổi thì hạt mới ngon.
2. Hạt mắc khén
Nếu như người vùng xuôi ướp gì, chấm gì cũng thường có muối ớt, muối tiêu thì người Tây Bắc thay bằng mắc khén. Đây là tinh hoa ẩm thực Tây Bắc. Mắc khén có mùi rất lạ: nồng nồng, cay cay nhưng ngòn ngọt, nếm vào thấy tê tê ở đầu lưỡi và một chút đắng dịu dàng. Quả mắc khén tươi có màu xanh, khi chín chuyển sang màu hồng; mọc theo dạng chùm; hình dạng tương đối tròn, có ngạnh; to bằng hạt tiêu non nhưng hương vị lại khác hẳn hoàn toàn so với tiêu.
Các món nướng sẽ không ngon nếu thiếu mắc khén. Những món ăn mà nếu người miền xuôi thưởng thức một lần, sẽ nhớ mãi không thôi. Mắc khén còn được dùng cho món chiên, kho và cho vào nước chấm.
3. Quả chay
Xuất xứ: vùng rừng núi Đông Nam bộ, miền Trung, đồi núi phía Bắc.
Trái chay là loại trái có vị chua nhẹ. Cây chay thân gỗ, cao lớn, vỏ xám, lá màu xanh lục, nhẵn mặt trên. Cây sẽ đơm hoa vào cuối mùa xuân. Quả mọc thành từng chùm nhỏ, mịn màng lông tơ. Đến cuối hè trái chín vàng ươm. Theo kinh nghiệm dân gian miền Trung, nước cốt trái chay chín giúp chữa khỏi một số chứng chảy máu mũi, ho ra máu, đau họng hoặc đau bao tử.
Trái chay khô là liều thuốc quý giúp trẻ con gầy còm ăn uống ngon miệng hay người tóc hoa râm bớt đau lưng, mỏi gối. Trái chay còn xanh, xắt lát mỏng kho với cá đồng sẽ làm miếng thịt cá thơm bùi xen lẫn vị chua thanh nhẹ, ăn hoài không ngán.
4. Trứng kiến vàng
Hẳn bạn đã từng nghe qua món ăn bò một nắng muối kiến vàng? Đây là món ăn độc đáo của người Gia Lai. Độc đáo không chỉ vì bò 1 nắng ngon hết sẩy mà còn là vì vị trứng kiến vàng độc lạ. Bạn không nghe nhầm đâu, đó chính xác là trứng của con kiến vàng đấy, loại kiến sống trên cây rừng hay ở các vườn. Sau khi lấy được tổ kiến, người ta đem trụng qua nước ấm cho sạch rồi rang sơ trong chảo, sau đó thêm một chút muối, ớt vào giã nhuyễn cùng lá then len - một loại lá rừng. Thịt bò 1 nắng ngọt, dai, nướng vàng thơm phức hai mặt, chấm cùng muối kiến vàng, ngon không thể tả.
5. Lá dít
Xuất xứ: Phú Yên.
Lá dít còn được gọi là lá giang rừng, một loài cây mọc dại ở một số nơi thuộc tỉnh Phú Yên. Nhìn như lá trà nhưng nhỏ hơn về kích thước, mặt dưới có màu tím phơn phớt, ngoài chủ vị chua thanh, lá có mùi thơm giống mùi tỏa ra từ múi măng cụt vừa chín tới.
6. Trái chúc
Xuất xứ: An Giang.
Trái chúc được xem như đặc sản vùng Bảy Núi, An Giang và trồng nhiều ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Cây chúc thuộc giống chanh rừng hay được gọi là chanh số 8 (vì lá có đoạn thắt vào trong như số 8) hoặc chanh Thái. Lá chúc được bán ở chợ Việt kiều Campuchia với tên gọi lá “cà son”. Cây sống ở vùng đồi núi.
7. Trái bần
Xuất xứ: Nam bộ.
Có nhiều loại bần: bần ổi, bần dĩa, bần sẻ… có thể ăn sống với mắm cái cá đồng, cá sông.
Bần sẻ khi vừa chín sực nức hương thơm, vị chua chát… Khi chín mềm, rửa sạch cho vào nước đun sôi trong vòng năm phút, sau đó dầm nát ra lược bỏ ruột và vỏ, lấy bột thịt của trái bần nêm vào nồi lẩu cá bông lau (nước ngọt) hay cá ngát (nước lợ) đều có vị thơm ngon.
Trái bần cũng được chế biến thành mứt, rượu bần xuất khẩu sang châu Âu.
8. Tiêu sả
Xuất xứ: Kon Tum, Quảng Ngãi.
Thường thấy ở huyện Kon Plông, các huyện miền núi Đông - Tây Giang. Người dân địa phương thường gọi là tiêu rừng nhưng lại không cay nồng như tiêu sọ. Hạt “tiêu sả” chứa tinh dầu mạnh hơn tiêu Kon Tum.
Trái sả có hình dạng như hạt tiêu, nhìn kỹ thấy một lớp lông rất mịn bên ngoài, có hương thơm của tinh dầu sả lẫn với chanh rất mạnh, vị đắng the chứ không cay.
Theo nhiều bà nội trợ giàu kinh nghiệm, với tiêu sả nên giã gia vị này ngay từ đầu. Khi kho các loại cá sông, suối: diếc, chép… nên cho 5-7 hạt vào nồi. Lúc gần tắt bếp mới dầm một nửa các trái vỡ ra. Số còn lại đợi đến khi người ăn ngồi vào mâm, đưa họ cắn suông một vài hạt trước để tận hưởng trọn vẹn hương vị núi rừng đặc trưng của “tiêu sả”.