Ngày nay việc xông nhà (đốt phong long)đã trở nên thuận lợi hơn với các loại thảo mộc xông nhà đóng gói sẵn bán rất nhiều để phục vụ gia chủ xông nhà mới hoặc cuối năm xông nhà xua đuổi tà khí, tẩy uế, đuổi côn trùng, xông tinh dầu đầu năm lấy hương thơm... Bởi trong phong thủy cho rằng căn nhà để trống không có người ở ma quỷ sẽ đến, những khí không tốt sẽ tồn tại ở đó tạo cảm giác lạnh lẽo u ám, không tốt cho gia đình. Vì vậy khi về nhà mới, bạn cần phải làm ấm ngôi nhà và xua đuổi những khí đó đi để vận khí tốt về nhà bằng việc xông nhà. Vậy ngày xưa cha ông ta xông nhà bằng cách nào? Tục xông nhà của người xưa có quá cầu kì và tốn kém? Mời mọi người cùng tham khảo bài viết của Than sạch Seagull để biết rõ hơn về một phong tục lâu đời của người Việt.
Xông nhà có hai cách là xông ướt và xông đốt.
Xông ướt dùng trong các trường hợp không tiện dùng khói như khu dân cư đông đúc hoặc nhà có trẻ nhỏ hay không muốn làm ảnh hưởng hàng xóm.
Phương pháp xông ướt: các loại thảo mộc tươi hoặc khô được cho vào nồi cùng với nước lạnh, đậy nắp lại, nấu sôi lên. Khi nước sôi, mở lửa nhỏ, để hé vung cho hơi nước mang theo hương thơm từ từ bay lên phát tán vào không khí.
Các loại thảo mộc thường được dùng: bạc hà, ngải diệp, ngũ trảo, hoắc hương, đại bi, vỏ bưởi, sả, quế chi, mùi ta...
Xông đốt: là đốt thảo mộc trực tiếp trên lửa, thảo mộc khô để nguyên miếng (bồ kết, vỏ quế, vỏ bưởi...) hoặc xay thành nhuyễn thành bột ép thành que nhang (trầm hương) hoặc từng viên hình chóp nhọn, được đốt trên lò than hồng nhỏ hoặc đốt trực tiếp trên viên hoặc nén nhang thảo mộc đó. Có thể đặt một chỗ để hương thơm lan tỏa tự nhiên hoặc cầm mang đi khắp các góc trong nhà để lan tỏa nhanh và sâu hơn. Xông nhà theo cách nguyên tắc từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài.
Cách xông nhà cổ truyền nhất là dùng trầm hương đối với những nhà khá giả, trầm hương đốt lên nhang thơm nghi ngút, hoặc bình dân hơn thì chuẩn bị một bếp than hồng để rải bột xông tà khí được làm từ các loại thảo mộc có mùi thơm quen thuộc và dễ kiếm như bồ kết, vỏ bưởi... trong vườn nhà, hương thơm thảo mộc bốc lên theo làn khói.
Ngoài tác dụng của tinh dầu bốc lên thì cái nóng của lò than cũng làm ấm nhà cửa, xua đi cái lạnh của tiết trời đầu xuân.
Dân gian còn có tục đốt bồ kết với đống trấu để hun mỗi khi có dịch bệnh để phòng bệnh cho người và gia súc.
Ngoài ra xông đốt còn một cách đơn giản hơn là đốt nến, chú ý nên đặt nến ở góc Đông Nam. Đương nhiên, khi ấy phải khép kín cửa, tránh gió lùa để dễ dàng theo dõi hướng cháy cửa lửa. Nếu nhà để quá lâu, độ ẩm cao và nhiều nấm mốc, khí xấu, độc hại thì ánh lửa sẽ lập lòe chứ không cháy đứng ngọn. Đốt nến sẽ giúp xác định tình trạng của ngôi nhà cũng như kiểm soát được khí lưu trong nhà.
Nếu bạn có ý định áp dụng cách xông này cho nhà mình thì nên đặc biệt chú ý không nên để trẻ con ở cùng khi đang đốt để tránh bị ngạt. Ngoài ra cũng không nên đốt quá nhiều, bạn chỉ nên xông với số lượng vừa đủ thích hợp với không gian để tạo ra một làn khói thoang thoảng.